Không để đứt gãy nguồn cung nhân lực

Hiện nay, các trường nghề trên địa bàn Đồng Nai đã lên nhiều phương án để tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Không để “đứt gãy” chuỗi cung ứng nguồn nhân lực là mục tiêu mà lãnh đạo các trường nghề đang quyết tâm thực hiện.
dao tao nganh cong nghe o to 9 cd cong nghiep
Từ ngày 2-8, Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi (H.Trảng Bom) đã bắt đầu dạy học online cho học sinh, sinh viên toàn trường. Trong đó, hơn 1.400 tân học sinh, sinh viên tham gia học các môn chung, số còn lại chủ yếu học các môn lý thuyết.

Chủ động kế hoạch dạy học online

TS Nguyễn Văn Chương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi cho biết, dạy học online là phương án đã được nhà trường chuẩn bị từ sớm nên việc triển khai khá thuận lợi. “Chỉ có một số ít học sinh, sinh viên thuộc vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn về thiết bị phục vụ học tập online, đường truyền internet. Số học sinh này sẽ được nhà trường dạy bổ sung kiến thức sau khi triệu tập học trực tiếp” -TS Chương cho hay.

Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác quốc tế CHLB Đức (GIZ), giáo viên của Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi đã được đào tạo về phương pháp dạy học trực tuyến. Nhà trường cũng đã trang bị phòng đào tạo E-learning. Nhờ đó, giáo viên của trường thực hiện dạy học online khá nhuần nhuyễn. Ngoài dạy các môn lý thuyết, giáo viên chuẩn bị sẵn các video hướng dẫn kỹ năng thực hành kết hợp tích hợp mô phỏng trên phần mềm để dạy thực hành nghề. Đây là các bước cần thiết để học sinh nắm được lý thuyết, quy trình, các thao tác. Khi quay trở lại trường học, các em sẽ thuận lợi hơn khi bắt tay vào thực hành.
truong cao dang cong nghe dong nai
Thầy Lê Đình Thâm, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai (H.Long Thành) cho biết, đặc thù của đào tạo nghề là phải có thực hành, do đó, nội dung có thể thực hiện dạy online chỉ khoảng 20-30%, khối lượng chương trình còn lại vẫn phải tiến hành dạy trực tiếp tại trường. Dù vậy, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, dạy học online vẫn đang là lựa chọn tốt nhất.

Hiện tại, Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai đang lên kế hoạch dạy học trực tuyến đối với các môn lý thuyết và kỳ vọng tình hình dịch bệnh sớm được khống chế để học sinh, sinh viên có thể quay trở lại trường. “Tuy nhiên, nhà trường vẫn cần phải chủ động lên nhiều phương án, kế hoạch để ứng phó nếu tình hình dịch bệnh vẫn kéo dài” - ông Thâm chia sẻ.

Làm việc “3 tại chỗ” liệu có khả thi?

Trong năm nay, Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai sẽ có hơn 1.400 học sinh, sinh viên tốt nghiệp. Trong khi đó, sinh viên năm cuối chủ yếu tham gia thực hành, thực tập. Vì vậy, nếu chỉ học online thì chưa đủ để đáp ứng yêu cầu về kỹ năng nghề. Nếu tình hình dịch bệnh vẫn kéo dài, học sinh, sinh viên không thể đến trường học thì thời gian học tập sẽ kéo dài, làm ảnh hưởng đến kế hoạch tìm việc làm, học liên thông của học sinh, sinh viên.

“Bản thân nhà trường rất muốn tổ chức dạy học theo phương án “3 tại chỗ” cho học sinh, sinh viên năm cuối nhưng lại vướng phải nhiều khó khăn” - ông Thâm cho hay.

Theo đó, muốn tổ chức phương án “3 tại chỗ” thì không chỉ sinh viên, học sinh mà cả giáo viên, nhân viên cũng phải ở lại trường. Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai có 2 ký túc xá ở 2 cơ sở với sức chứa gần 1 ngàn người, nhưng đều đang được trưng dụng làm khu cách ly y tế. Vì vậy, trước mắt nhà trường vẫn phải ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, theo ông Thâm, việc lên phương án đào tạo “3 tại chỗ” là cần thiết và nhà trường sẽ vẫn lập kế hoạch cụ thể để dự phòng tình huống bắt buộc phải thực hiện phương án này. Trong đó, trước mắt nhà trường sẽ ưu tiên đối tượng sinh viên các nghề kỹ thuật, cơ khí…

Tương tự, đại diện Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi cũng cho biết không thể thực hiện phương án “3 tại chỗ” được vì trường đang nằm trong “vùng đỏ” và ký túc xá của trường đã được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến.

Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) là đơn vị duy nhất đang thực hiện đào tạo theo phương án “3 tại chỗ” nhưng với số lượng rất hạn chế. Theo đó, có hơn 40 sinh viên được đào tạo theo chương trình chuyển giao từ CHLB Đức - Avestos đã được triệu tập đến học tập tại trường từ ngày 1-8.

Do học tập theo chương trình chuyển giao của Đức và phải thi theo tiến độ thời gian của Đức (khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11) nên nhà trường buộc phải tổ chức dạy học để kịp tiến độ. Trong suốt thời gian học, học viên được miễn phí ăn, ở, xét nghiệm nhanh Covid-19 hằng tuần và đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1.

Nguyễn Bùi An Nhơn (xã Phú Thạnh, H.Nhơn Trạch), sinh viên lớp Chế tạo thiết bị cơ khí chia sẻ: “Ban đầu, khi nhận được thông báo triệu tập đi học tại trường, gia đình em cũng hơi lo lắng. Nhưng khi đến trường học, được ở trong môi trường thoáng mát, ăn uống đầy đủ, thực hiện phòng dịch tốt thì gia đình và bản thân em rất yên tâm. Do có một số bạn trong khu phong tỏa, cách ly y tế chưa đến trường được nên mỗi tuần chúng em có 1-2 buổi học online cùng các bạn, thời gian còn lại thực hành tại xưởng”.

Theo ThS Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, nếu kéo dài thời gian đào tạo do dịch bệnh, nguy cơ “đứt gãy” nguồn cung nhân lực trong thời gian tới rất dễ xảy ra. Do vậy, việc xem xét phương án dạy học “3 tại chỗ” đối với sinh viên năm cuối là hợp lý, nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Đề xuất phương án “3 xanh”

Ông NGUYỄN KHÁNH CƯỜNG, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) cho rằng, ngoài xem xét, xây dựng phương án đào tạo “3 tại chỗ” thì cũng cần xét đến phương án “3 xanh” gồm: sinh viên xanh (được tiêm vaccine, xét nghiệm âm tính trước khi đến trường); cung đường xanh (được chính quyền các tỉnh, thành, địa phương cho phép, tạo điều kiện cho sinh viên đến nơi học, có thể cần phải có xe đưa đón tập trung); môi trường xanh (nơi học, ăn, nghỉ của sinh viên phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch).

Hải Yến (Theo báo Đồng Nai)